Feijoia, ổi dứa hay còn gọi là ổi thơm, có một mùi thơm đặc biệt mạnh và quyến rũ. Mùi thơm được mọi người ví von như giống như hỗn hợp thơm của dứa, của dâu tây và ổi. Nhưng trên thực tế bạn phải tự ngửi mùi thơm của chúng vì mùi thơm rất đặc biệt, rất tuyệt vời, không chỉ cảm thấy ngon mà thấy có gì đó giống như mùi thuốc hay dùng trong dân gian.
Contents
Ổi dứa Feijoia nghìn cái lợi
Hãy cùng fengshuikiman đi tìm hiểu ngay ổi dứa Feijoia tốt cho sức khỏe như thế nào. Ổi dứa là nguồn cung cấp:
– Beta-carotene là tiền tố của vitamin A rất tốt cho mắt, cho da.
– Beta-cryptoxanthin, cũng tương tự như beta-carotene nhưng mạnh gấp đôi, giảm ung thư phổi và ung thư ruột kết.
– Lycopene, là chất chống oxy hóa bảo vệ cơ thể bạn khỏi tổn thương gây ra bởi các hợp chất được gọi là gốc tự do, – gốc tự do là nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư, tiểu đường, bệnh tim mạch và Alzheimer. Chất lycopene này giúp giữ mức độ gốc tự do cân bằng, bảo vệ cơ thể phòng chống lại những bệnh trên. Chất lycopene cũng có lượng lớn ở cà chua như Kim An đã từng nhắc đến trong một số bài viết là Cách bảo quản cà chua lột vỏ tận 3 năm và các thực phẩm thuộc Ngũ hành khi bạn biết Dụng Hỉ thần của bạn là gì trong bài Tự cải mệnh bằng ăn uống. Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy lycopene có thể bảo vệ cơ thể khỏi bị tổn thương do thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, bột ngọt (MSG) và một số loại nấm.
– Lutein là chất chống lão hóa rất mạnh, bảo vệ cơ thể và đặc biệt là mắt, tránh viêm mắt, làm tinh mắt, tránh bị tật cận thị.
– Zeaxanthin là vitamin dành cho mắt, khi vào trong cơ thể, là yếu tố bảo vệ trong bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác từ 65 tuổi trở lên nhưng cũng có thể liên quan tới những người tuổi trẻ do hiện nay từ rất sớm đã tiếp xúc liên tục và kéo dài với các loại màn hình như điện thoại, máy tính bảng, máy tính, ti-vi. Bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa (theo nghiên cứu ở Mỹ). Chất Zeaxanthin này cùng với Lutein ở trên là carotenoid duy nhất tích tụ trong võng mạc, bởi vì cả hai chất đều được tìm thấy với số lượng lớn trong điểm vàng, hay còn gọi là hoàng điểm. Chúng còn được gọi là sắc tố điểm vàng.
– Axit béo không bão hòa Omega-3 và Omega-6 rất tuyệt vời đối với cả người lớn lẫn trẻ em. Đối với trẻ em, chúng giúp trẻ thông minh hơn vì kích thích não, tập trung học tập tốt hơn và tăng cường sức đề kháng. Đối với người lớn, chúng giúp giảm đau cứng khớp buổi sáng, ngăn ngừa các bệnh về tim như viêm tuy hoặc suy tim và rối loạn nhịp tim, giúp hạ mức cholesterol toàn phần, chống lại bệnh mạch vành, hỗ trợ lưu thông máu, đồng thời điều hòa huyết áp ổn định.
– Kali, axit folic và các chất chống oxy hóa khác nhau trong ổi dứa giúp cải thiện năng lượng tinh thần, sự tập trung và hoạt động thần kinh. Kali giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp (cũng nhờ tỷ lệ natri thấp). Axit folic là loại axit mà bất cứ bà mẹ nào mang thai cũng biết vì chúng được bác sĩ kê đơn dùng trong thời gian mang thai, là chất thiết yếu cho sự phát triển bình thường của thai nhi trong thai kỳ, đảm bảo cho thai được phát triển tốt.
– Vitamin C với hàm lượng cao, rất hữu ích trong việc chống nhiễm trùng, giúp hệ thống miễn dịch phát triển sức đề kháng chống lại các tác nhân lây nhiễm.
– Chất xơ có trong ổi dứa còn giúp tiêu hóa dễ dàng hơn, có đặc tính nhuận tràng tốt, và ngăn ngừa táo bón và đặc biệt là giúp ngăn ngừa sự xuất hiện của ung thư ruột kết. Chú ý đây là đặc tính của ổi dứa trái ngược với những loại ổi ở Việt Nam, được mọi người dùng khi hay bị đi ngoài.
Phải nói là ối dứa có hàng nghìn lợi ích, đối với trẻ em, người lớn và phụ nữ mang thai, mà chưa thấy tài liệu nào nói tới việc chống chỉ định.
Có gì trong 100 g ổi dứa?
Quả ổi dứa có rất nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. 100 g quả ổi dứa cung cấp lượng tiêu thụ khoảng 46 calo, trong đó có 78% carbohydrate, 16% lipid và 6% protein. Để giúp bạn hiểu biết trong 100 g ổi dứa có những gì, bạn có thể đọc những thành phần dưới đây:
• 0,98 g chất đạm
• 0,6 g lipid
• 13 g carbohydrate
• 6,4 g chất xơ
• 32,9 mg vitamin C
• 0,295 mg vitamin B3 (niacin)
• 0,223 mg vitamin B5 (axit pantothenic)
• 0,16 mg vitamin E
• 0,067 mg pyridoxine
• 0,018 mg vitamin B2 (riboflavin)
• 0,006 mg vitamin B1 (thiamine)
• 23 µg folate
• 3,5 µg vitamin K
• 6 IU vitamin A
• 172 mg kali
• 19 mg phốt pho
• 17 mg canxi
• 9 mg magie
• 3 mg natri
• 0,14 mg sắt
• 0,084 mg mangan
• 0,06 mg kẽm
• 0,036 mg đồng
Trồng cây ổi dứa Feijoia
Nguồn gốc và đặc tính cây ổi dứa
Cây ổi dứa là cây trái nhiệt đới, được trồng rất nhiều ở các nước châu Nam Mỹ. Nhưng nhờ sự dễ trồng và chịu nhiệt, có thể chịu được -10°C nên có thể trồng được nhiều nơi khác. Như ở Roma nơi mình ở có thể trồng được dễ dàng, vì nhiệt độ xuống thấp nhất là -2°C và cũng ít khi xảy ra. Cây chưa bao giờ thấy bị bệnh, cây lúc nào cũng xanh tốt và không cần chăm sóc.
Cây trồng không chỉ trên một thân duy nhất như nhiều cây ăn quả khác mà nó mọc ra nhiều nhánh từ dưới mặt đất lên. Cây tỏa bóng rất rộng và rất cao, có thể cao tới 8 mét. Trong vườn Kim An hiện tại sau 8 năm trồng, cây cao khoảng 5 mét.
Khi nào cây ổi dứa cho quả?
Nghe nói cây cho quả sau 2 năm khi gieo. Nhưng trên thực tế, Kim An khi mua cây non (mua online) sau 7 năm ra hoa mà không ra quả. Nếu bạn trồng cây mà cũng gặp phải tình trạng này thì hãy áp dụng “mẹo dọa cây” như Kim An áp dụng, hiệu quả tức thời nhưng Kim An đã từng chia sẻ theo thời gian trên FB như viết ở dưới đây.
Quả bắt đầu chín tập vào tháng 9, tập trung chín vào tháng 10. Khi chín quả tự rụng xuống đất và bạn có thể thu hoạch một cách dễ dàng. Vì cây khả to cao, có thể cao tới 8 m nên nếu quả không rụng, việc thu hoạch sẽ không dễ dàng.
Sau thu hoạch, quả chín bạn có thể giữ trong tủ lạnh hoặc để ngoài khoảng 7-10 ngày mà không sợ hỏng.
Chuột ở trong vườn nhà Kim An cũng sướng lắm, ăn hoa quả quanh năm. Đây là góc thiên đường của chuột, gặm không biết bao nhiêu quả ổi dứa.
Mẹo bắt ra quả áp dụng vào cây ổi dứa và cây quả nói chung
Bài đăng 04/6/2022: RUNG CÂY DỌA KHỈ, VUNG DAO DỌA TRẢM
Gần 12h đêm hôm qua mới đọc post của một bạn trong nhóm trồng trọt, thấy bạn cầm dao phay chạy bay bay trong vườn, cứ tới một cây bạn lại lẩm rẩm: “Hôm nay là ngày 5 tháng 5 tao ra thăm mày, năm nay mày cho tao ăn quả nha”. Rồi thấy bạn lấy dao phay phập nhẹ vào thân cây (cũng có cây bị bạn phập quá đà ).
Chợt nghĩ, mẹo của người xưa không tệ, cây cối trong vườn nhà mình không có gì phải phàn nàn, đều ngoan ngoãn cả. Riêng có cây ổi dứa ông xã đặt mua trên mạng trong một lần rỗi tiền và rỗi thời gian từ 7 năm nay, chẳng thấy cho quả gì .
Sáng nay, hi vọng không quá muộn, mình cũng cầm dao (nhà không có dao phay) ra chỗ cây ổi dứa to tướng trong góc vườn, bắt chiếc dứ dứ dao vào cây và “khấn”: “Hôm này ngày 6 tháng 5 (-AL-) tao ra thăm mày, mày ở nhà tao tới 7 năm rồi đấy, liệu mà ra quả cho tao ăn đi nhá!” Hi vọng nó sợ mà ra quả cho mình măm.
Ảnh: Cây ổi dứa ra rất nhiều hoa vừa nghe “khấn” vừa bị “dọa nạt” bằng dao vào 04/6/2022. Lúc đó có bạn bình luận bảo dao này phết bánh mì không ăn thua, phải dao phay cơ.
Bài đăng 23/10/2022: CON CÂY SỢ TRẢM, RÓN RÉN RA QUẢ SAU 7 NĂM
Nhiều người nói rằng cây cối có thần cây. Nhưng mình nghĩ đơn giản là cây cối có linh hồn.
Để nói là có thần cây, thì chắc phải là cây từ 100 năm trở lên. Còn cây cối ăn quả mình mua trong vườn, mình coi chúng như con. Mà đã là con thì có đứa ngoan, đứa bướng. Các cây lựu, kumquat, mận, sung, đào… cây nào cây nấy đều trĩu trịt quả. Riêng cây ổi dứa lại làm mình phải suy nghĩ vì tới 7 năm ra hoa mà không thèm ra quả.
Đầu tháng 6 học lỏm được mẹo của một bạn vác dao dọa cây, mình cũng liền bắt chiếc áp dụng vào cây ổi dứa 7 năm ở nhà mình vì nó ra nhiều hoa mà không chịu kết quả.
Kết quả thật đáng kinh ngạc các bạn ạ!
Năm nay, nó rón rén ra hơn chục quả. Phải thế chứ, không thì mình trảm thật đấy! 🙂
Giá trị kinh tế của ổi dứa
Ở Roma, mình không thấy có bán ổi dứa. Nhưng nghe nói giá khoảng 10 Euro/kg (bằng khoảng 250.000VND), là khá đắt, đắt gấp 3-4 các loại quả khác.
Ổi dứa có gốc là cây nhiệt đới, cây ưa nắng và đất thoát nước, nên mình nghĩ có thể trồng ờ Việt Nam dễ dàng, cây rất dễ tính và đem lại lợi ích kinh tế rất cao ngoài rất nhiều lợi ích về sức khỏe.
Tháng mười, mùa ổi dứa rụng trong vườn – Tháng 10/2023
Năm nay là năm thứ hai cây ổi dứa nhà mình ra quả sau 8 năm trồng. Có lẽ do “bị dọa nạt triệt để” vì năm nay mình không những cầm dao dọa mà còn cầm cả cuốc ra dọa nên cây cho quả rất nhiều, tới hơn chục kg với hàng trăm quả, so với năm ngoái 2022 thì vượt bậc cả về khối lượng (năm ngoái được hơn chục quả) lẫn chất lượng vì nhiều quả rất to. Quả to là những quả lớn từ 100 g trở lên, quả to nhất nhà Kim An nặng khoảng 150 g.
Ổi không cần hái mà chỉ cần nhặt. Đây mới là cây quả tuyệt vời nhất đời. Quả ổi dứa không cần hái, khi chín chúng tự rụng dưới gốc cây, có màu hơi hơi vàng, sờ thấy hơi mềm và thơm phưng phức. Ổi rụng nhưng không hề nát vì chúng có vỏ khá dày. Những quả mềm bạn có thể ăn ngay. Nhưng tốt nhất là hãy cho ổi dứa vào một túi giấy và để chỗ kín khoảng 5-7 ngày cho chín thật thơm. Lúc này bạn lấy ra thì ôi…, ổi dứa mùi thơm phức.
Nếu bạn để ươm túi ổi dứa trong thùng gạo cho chín thì đảm bảo gạo cũng bạn cũng thơm mùi ổi dứa. Khi ăn cơm cũng có mùi ổi dứa thơm rất tuyệt vời!
Sử dụng, ăn, uống quả ổi dứa như thế nào?
Ăn tươi cả vỏ quả ổi dứa
Quả ổi dứa, sau khi rửa sạch, cắt bỏ phần đuôi, bạn có thể ăn cả vỏ.
Nếu không thích ăn vỏ, vì vỏ hơi có vị chát nhẹ, thì bạn có thể gọt vỏ hoặc có thể bổ ngang quả rồi lấy thìa xúc vì thịt ổi chín mềm nên xúc dễ dàng.
Dù sao, nếu bạn ăn ít thì nên ăn luôn cả vỏ. Vỏ quả có nhiều chất có thể bảo vệ bạn tránh bị nhiễm độc thủy ngân khi bạn ăn quá nhiều cá và các động vật có vỏ.
Bạn cũng có thể làm mứt ổi dứa ăn quanh năm. Nếu bạn làm mứt, gọt vỏ quả ổi thì vỏ quả bạn nên làm trà vỏ ổi dứa rất tốt sức khỏe như Kim An hướng dẫn ở dưới “Cách làm trà vỏ ổi dứa”.
Cách làm mứt quả ổi dứa
Ổi dứa cũng có thể làm mứt thơm ngon tuyệt vời. Bạn có thể làm mứt theo cách của Kim An như sau:
Nguyên liệu:
- 1 kg ổi dứa rửa sạch, cắt bỏ đuôi, có thể để nguyên vỏ hoặc gọt vỏ. Trong trường hợp gọt vỏ, đừng vứt vỏ đi, đây là nguồn thuốc quý, cách làm xem ở dưới.
- 150 g nước.
- 600 g đường.
- Nước cốt 1/2 quả chanh và vỏ nạo quả chanh.
- 2-3 lọ đựng đã tiệt trùng dùng để bảo quản mứt.
Cách làm:
- Ổi dứa gọt vỏ, cắt nhỏ, đun cùng 150 g nước.
- Sau khi đun sôi 15 phút, đổ đường vào đun tiếp khoảng 20-30 phút.
- Cho máy xay (vì quả không dễ tan nhỏ) cho nhuyễn.
- Đổ nước cốt chanh cùng vỏ chanh vào mứt và tiếp tục đun khoảng 5 phút.
- Vẫn trong lúc mứt sôi, múc mứt ra các lọ đã chuẩn bị sẵn, đóng chặt nắp, lộn ngược úp lọ trong khoảng 1 tiếng rồi lật lọ thẳng lại, kiểm tra nắp, nếu lún là lọ đã được hút chân không thành công. Bạn có thể bảo quản mứt vài năm.
Hoa ổi dứa
Hoa ổi dứa nở rộ vào tháng 5 và tháng 6. Nếu như những năm trước cây không cho quả hoặc cho ít quả, vào Tết Đoan ngọ (mồng 5 tháng 5 Âm lịch) là lúc cây ra nở rộ hoa, bạn hãy dùng mẹo dọa cây cho nhiều quả như đã viết ở trên.
Trà hoa ổi dứa: Hoa ổi dứa rất đẹp, phơi khô có thể làm trà như vỏ quả ổi dứa.
Salat cánh hoa ổi dứa: Cánh hoa ổi dứa có đặc tính chống oxy hóa và có thể ăn được. Bạn có thể thêm lá vào món salad để tăng hương vị và chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe.
Nước ép quả ổi dứa
Cách dùng quả ổi dứa nhanh chóng và dễ dàng cho những người muốn tiêu thụ số lượng lớn và nhanh chóng là ép nước quả ổi dứa. Nước ép có tác dụng chống viêm cực kì hiệu quả. Bạn hãy nhớ nước ép ổi dứa, cũng như các loại nước ép khác, cần uống ngay sau khi ép để có thể bảo toàn mọi chất tuyệt vời vốn có trong quả.
Trà lá ổi dứa
Lá ổi dứa có mặt trên có màu xanh đậm và bóng, mặt dưới có màu trắng bạc. Lá khá dày. Khi vò lá, không có mùi thơm như ở quả.
Điều có thể ít ai nghĩ tới là lá của của ổi dứa cũng có thể làm trà. Theo một nghiên cứu được thực hiện trên chuột, dịch chiết nước của lá có thể giảm độc tính ở thận. Vì thế lá của cây ổi dứa có chất bảo vệ thận.
Quả ổi dứa có đặc tính chống trầm cảm, nhưng ở lá có tập trung chất chống trầm cảm mạnh hơn ở quả.
Lá ổi dứa có vị ngọt và thơm, có đặc tính kháng sinh và kích thích hệ miễn dịch. Lấy vài lá ổi dứa để ngấm trong cốc nước sôi khoảng 10 phút là bạn đã có một cốc lá trà ổi dứa rất có lợi cho thận, thần kinh và hệ miễn dịch rồi.
Trong y học cổ truyền, lá còn được dùng để điều trị bệnh kiết lị và bệnh tả, đặc biệt ở trên em. Nhưng chất lượng có trong lá không mạnh bằng vỏ quả ổi dứa.
Cách làm trà vỏ ổi dứa
Vỏ quả ổi dứa có tập trung các chất có tác dụng chống lại kim loại nặng bị con người hấp thụ, nhất là thủy ngân. Đối với những người ăn quá nhiều cá và động vật có vỏ có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân cũng cao hơn (khi ăn cá, các bạn nên chọn cá hồi, tôm, cá tuyết và cá mòi là những loại có hàm lượng thủy ngân thấp), vì vậy ăn ổi dứa cả vỏ giúp bạn bảo vệ chống lại việc nhiễm độc thủy ngân.Vỏ ổi dứa, sau khi gọt ra, lập tức cho vào máy sấy. Kim An sấy vỏ trong máy với nhiệt độ 60°C trong 14 tiếng. Khi bẻ vỏ thấy gẫy rụm dễ dàng là vỏ đã khô và có thể bảo quản trong lọ thủy tinh.
Trà vỏ ổi dứa được dùng bằng một thìa vỏ để trong một cốc nước sôi trong 10 phút, uống có mùi thơm đặc biệt của ổi dứa. Về vị sẽ không thấy có gì đặc biệt, nhưng về chất thì đặc biệt tốt vì những chất có trong vỏ ổi có tác dụng chống nhiễm độc thủy ngân. Nhiễm độc thủy ngân gây tổn thương não, gan, gây tăng nhanh nhịp tim, suy nhược thần kinh, giảm thính giác và loạn vận ngôn, rối loạn tâm thần, run cơ, rối loạn cử động. Tại phụ nữ mang thai, còn có thể gây ra sảy thai, khuyết tật, dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Vì vậy trà vỏ ổi dứa vô cùng tốt với tất cả mọi đối tượng.
Trong ảnh trên là trà vỏ quả ổi dứa đã được sấy khô cong, cùng các loại trà hái từ trong vườn nhà Kim An, trà lá melissa, trà lá tía tô, trà hoa đậu biếc.
Như bạn thấy, trong thiên nhiên có rất nhiều chất có thể phòng ngừa rất nhiều chứng bệnh có trong hoa quả, cây lá.
Các chỉ số thông tin khoa học được Kim An thu thập từ nhiều nguồn, chủ yếu là nguồn nước ngoài.
Nếu biết Cải tạo Vận Mệnh bằng Tứ trụ và Phong Thủy, sống biết tới Luật Nhân Quả, Sống tốt thuận theo tự nhiên bảo đảm sức khỏe, cuộc đời sẽ tự nhiên thông thuận và nhẹ nhàng.
Tại Sống tốt, bạn sẽ tìm thấy những bài chia sẻ về các cách bảo quản thức ăn thời gian lâu mà không dùng đến thuốc hóa học, cách trồng và chăm cây một cách đơn giản và những thông tin thú vị, ích lợi mà có thể bạn chưa bao giờ biết tới!