“Bát tự Mệnh khuyết” và “Dụng thần là Ngũ Hành thiếu” chính là quan điểm sai lầm đang lưu hành trong số nhiều người nghiên cứu mệnh lí Tứ trụ Tử Bình hiện nay. Họ cho rằng trong Tứ trụ cứ thiếu hành nào thì hành đó là Dụng thần, cứ thiếu hành nào thì thêm hành đó vào khi đặt tên.
Contents
Tìm Dụng thần: Các kiểu sai lầm
Kiểu sai 1: Bát tự Mệnh khuyết
Bát tự Mệnh khuyết rất thông dụng bởi được nhiều sách in ra và cũng bởi nó… dễ áp dụng cho người không hiểu biết gì về Tứ trụ. Nếu bạn muốn tìm hiểu về Bát tự Mệnh khuyết trên mạng, thì có rất nhiều website “dạy” cách xem, từ các trang Lịch ngày tốt, tới Bất động sản, bán Đồ Phong thủy.
Thậm chí kiểu này cũng được nhiều “thầy” chuộng vì xem nhanh và cũng có thể do không hiểu biết sâu về bộ môn Bát tự, bạn có thể thấy ở không ít các website chuyên về Phong Thủy.
Theo thuyết này, mệnh khuyết là mệnh thiếu, mà thiếu hành nào thì bổ sung hành đó, coi như đó là Dụng thần.
Kiểu tính Bát tự Mệnh khuyết theo Bát tự:
1. Người mệnh khuyết Kim: sinh vào khoảng ngày 4 tháng 2 đến ngày 5 tháng 5 dương lịch, sinh vào mùa xuân, bát tự của họ thường là Mộc thịnh Kim suy.
2. Người mệnh khuyết Thủy, sinh vào khoảng ngày 6 tháng 5 đến ngày 6 tháng 8 dương lịch, sinh vào mùa hạ, bát tự của họ thường là Hoả vượng Thủy nhược.
3. Người mệnh khuyết Mộc, sinh vào khoảng ngày 7 tháng 8 đến ngày 6 tháng 11 dương lịch, sinh vào mùa thu, bát tự của họ thường là Kim nhiều Mộc ít.
4. Người mệnh khuyết Hỏa, sinh vào khoảng ngày 7 tháng 11 đến ngày 3 tháng 2 dương lịch, sinh vào mùa đông, bát tự của họ thường là Thủy thịnh Hỏa suy.
Nhận xét:
– Trên thực tế, chỉ cần hiểu biết một chút về Bát tự (tám chữ: Can Năm + Chi Năm + Can Tháng + Chi Tháng + Can Ngày + Chi Ngày + Can Giờ + Chi Giờ) thì thấy kiểu Bát tự Mệnh khuyết này họa may thì đúng vì chỉ dựa và một chữ duy nhất, đó là Chi Tháng.
– Kiểu này dựa hoàn toàn vào tiết khí nhưng lại không nói rõ tiết khí hàng năm xê dịch, lên xuống 1 ngày. Người sinh trùng vào một trong những ngày trên, đã chỉ dựa duy nhất vào Chi Tháng mùa sinh, lại sai nữa là sai hẳn.
– Ngũ hành có 5 hành, Kim Thủy Mộc Hỏa Thổ, theo thuyết này chỉ thấy người mệnh khuyết Kim Thủy Mộc Hỏa, không thấy có người mệnh khuyết Thổ!
Kiểu sai 2: Dụng thần là Hành thiếu
Đếm Ngũ Hành trong Tứ trụ Can Chi Năm Tháng Ngày Giờ sinh
Đây là quan điểm không hề dựa vào việc phân tích Tứ trụ mà chỉ dựa vào việc “đếm” hành của Tứ trụ. Hành nào thiếu, hành nào ít thì lấy hành đó làm Dụng Thần.
Thậm chí, có “chuyên gia Tứ trụ” lại đưa ra ví dụ luận Tứ trụ chỉ đếm hành Can Chi mà không hề xét đến Can tàng, điều này có nghĩa là không hề xét đến Nhân nguyên trong tam nguyên.
Nhận xét:
Sự dự đoán Tứ trụ Tử Bình phải là sự dự đoán tổng hợp của tam nguyên Thiên Địa Nhân, vì Thiên Địa Nhân là một thể thống nhất.
Thế nào mới đúng?
Trong mọi trường hợp, muốn biết một người thiếu hành nào, cần Hành nào, cần phải phân tích kĩ lưỡng tổ hợp Tứ trụ Can Chi Năm Tháng Ngày Giờ, rồi xét nếu Tứ trụ có cần hành thiếu đó thì mới lấy đó là Dụng thần, còn nếu kị thì rõ ràng là không được lấy.
Trong lá số Tứ trụ Tử Bình, Ngũ hành Kim Thủy Mộc Hỏa Thổ tượng trưng cho lục thân, các mặt về sức khỏe, tình duyên, tài lộc, gia đình. Điều lí tưởng nhất là Ngũ hành Âm dương được cân bằng với nhau, hoàn toàn cân bằng mỗi hành 20% là rất hiếm có, tương đối cân bằng đã rất là tốt rồi!
Nhưng nếu trong Tứ trụ, có thiếu 1 hoặc hơn 1 hành thì không nhất thiết phải cần hành đó và phải bổ sung hành đó, bạn hãy quan sát những ví dụ ở dưới đây.
Trường hợp thiếu mà cần – Cần thì bổ sung
Ví dụ 1: Nam mệnh sinh năm 1997
Bát Tự: Đinh Sửu – Kỉ Dậu – Quý Sửu – Canh Thân
Phân tích: Tổng quát tổ hợp Tứ trụ có dòng vượng khí Thổ Kim Hỏa tới Thân là dừng, Đinh Hỏa Thiên Tài không rễ. Tứ trụ không có Mộc, rất cần Mộc để lưu thông dòng vượng khí nên là người này không có Mộc mà lại cần Mộc.
Mộc chủ về nhân nên nếu Mệnh chủ dùng Dụng thần Mộc trong cuộc sống hàng ngày, hoặc nếu khi sinh ra được cha mẹ đặt tên có hành Mộc thì không những kéo dài tuổi thọ, mà lại còn sinh Tài là làm lợi thêm về mặt tiền bạc và vợ.
Ví dụ 2: Nam mệnh sinh năm 2012
Bát Tự: Nhâm Thìn – Bính Ngọ – Bính Ngọ – Nhâm Thìn
Phân tích: Trong số ngũ hành Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, Mệnh chủ thiếu hẳn hành Kim. Tứ trụ cần có Kim để lưu thông dòng vượng khí nên là người không có Kim mà rất cần Kim.
Kim chủ về nghĩa, là Tài vừa biểu tượng cho tiền tài, vừa biểu tượng cho vợ, cho nên cần bù đắp bằng phương pháp Phong Thủy Mệnh lí. Nếu lúc sinh ra đã được xem Tứ trụ và đặt tên hợp mệnh bù đắp cho mệnh chủ thì không những tốt cho sức khỏe vì ngũ hành được lưu thông (cũng như cơ thể con người được lưu thông khí huyết) mà còn sinh Tài (vừa là vợ, vừa là tiền bạc), sinh Quan là đường công danh trôi chảy. Đây chính là một trường hợp điển hình cần Đặt tên cải mệnh ngay sau khi sinh cho bé.
Trường hợp thiếu mà chẳng cần – Tòng theo thì sống, chống lại thì họa!
Ví dụ 3: Nam mệnh sinh ngày 6 tháng 6 năm 1955 lúc 10h
Bát Tự: Ất Mùi – Tân Tị – Mậu Tuất – Đinh Tị
Phân tích: Ấn thịnh, Thân vượng, dựa vào Thương Quan lộ làm Dụng. Trong mệnh Hỏa viêm Thổ táo, hoàn toàn không có chút Thủy nào, theo táo theo nhiệt là kị Thủy, thấy Thủy là ắt có tai họa nặng.
Ví dụ trên đây là Bát Tự của một người không có Thủy nhưng lại kị Thủy. Nếu người này dùng Thủy làm Dụng thần áp dụng vào các phương pháp cải mệnh e rằng tốt thì chẳng thấy đâu, sợ lại rước họa vào, hoặc nếu đặt tên bằng hành Thủy thì rõ ràng đặt tên gọi bằng Kị thần, nghĩa là họa lúc nào cũng kè kè theo người!
Trường hợp Bát Tự này là “tòng” theo thế mạnh. Thế mạnh đang hừng hực, “tòng” theo thì sống, chống lại thì họa!
Bạn hãy tưởng tượng bạn đang ở trong dòng nước lũ cuộn chảy, hoặc dòng người cuồn cuộn, nếu bạn có ý chống lại bơi ngược dòng hoặc đi ngược dòng người thì hậu quả sẽ bị đè bẹp!
Kết luận
Bài viết này lưu ý chủ yếu cho các bạn khi đi xem và tìm Dụng thần bởi nếu bạn được tìm cho Dụng thần sai thì người chịu nhiều tổn thất nhất chính là bạn chứ không phải ai khác. Tốt nhất là khi muốn biết Dụng thần thực sự của mình, bạn nên tìm đến Chuyên gia Mệnh lí đích thực/.