Thái Cực và số làm thầy

Có rất nhiều bạn hỏi xin học Tứ trụ, nhưng Kim An rất tiếc không nhận dạy Tứ trụ. Để các bạn có thể tự bước đầu tìm hiểu bản thân mình có số làm thầy Huyền học hay không, Kim An xin đề cập tới một trong những yếu tố quan trọng trong Tứ trụ của người có số làm thầy, thầy Tứ trụ, thầy Tử vi, thầy Phong Thủy, thầy Tướng số, nhà ngoại cảm… tựu chung là trong lĩnh vực Huyền học: Thái Cực Quý nhân.

Thái Cực là gì?

Thái Cực Quý nhân, gọi tắt là Thái Cực, là một trong những Thần Sát, hay nói đúng hơn là Cát Thần trong Tứ trụ. Trong sách “Dự đoán theo Tứ trụ” của tác giả Thiệu Vỹ Hoa có ghi: Trong Tứ trụ gặp Thái Cực Quý nhân thì Mệnh chủ là người thông minh hiếu học, rất thích những gì thuộc về huyền học như Tứ trụ, Nhân tướng học, Bái quái, Phong Thủy… Là người chính trực, chuyên tâm làm việc, có trước có sau.

Thái Cực Quý nhân được vượng, lại đi cùng với các Quý nhân khác phù trợ thì phúc lộc song toàn, là người được mọi người vì nể, có danh tiếng, địa vị trong thiên hạ.

Thực chất của Thái Cực là gì?

Khái niệm nguồn cội của Thái Cực không phải bắt đầu từ Tứ trụ. Nó được khởi nguồn từ rất xa xưa, từ thời Phục Hy, vị vua đầu tiên trong “Tam hoàng” – ba vị vua huyền thoại của Trung Quốc cổ -, vào khoảng hơn bốn ngàn năm trước Công nguyên, tính tới giờ là khoảng cách hơn sáu ngàn năm.

Trong thần thoại nổi tiếng, Bàn Cổ khai thiên lập địa từ chỗ không có sự phân biệt giữa trời với đất, cũng không có vạn vật trong thế gian. Phục Hy sáng tạo ra khái niệm Thái Cực phân hóa Âm Dương để thể hiện quá trình khai thiên lập địa của Bàn Cổ. Thái Cực chính là mớ hỗn độn trước khi trời đất phân ra. Trời đất và mặt trăng mặt trời chính là đại diện cho lưỡng nghi Âm Dương.

Thái Cực sinh lưỡng nghi
Thái Cực sinh lưỡng nghi

Bạn có thể hay nghe nói đến câu “Thái Cực sinh lưỡng nghi” chính là đây. Thái Cực sinh ra Âm Dương, Âm Dương hợp nhất thành Thái Cực. Trời là Dương, đất là Âm; Mặt trời là Dương, Mặt trăng là Âm. Khái niệm Âm Dương được dùng rất nhiều trong Kinh Dịch, một trong tác phẩm triết học cổ xưa nhất mà chính Phục Hy là tác giả đầu tiên.

Thái Cực động thì sinh ra Dương, động tới cực điểm thì tĩnh. Tĩnh thì sinh ra Âm. Tĩnh tới cực điểm thì lại trở lại động.

Tại sao Thái Cực lại là yếu tố cần có trong Tứ trụ của thầy luận mệnh?

Với bản chất của Thái Cực như nêu trên, Thái Cực là nguồn cội sinh ra Âm Dương. Từ thế giới tự nhiên tới xã hội loài người đều có thể chia thành lưỡng nghi Âm Dương, hay nói cách khác là đều có hai mặt đối lập, được gọi là Âm và Dương.

Để ý tới các hiện tượng, sự vật, ta sẽ thấy hai mặt Âm Dương này: Trời là Dương, đất là Âm; ngày là Dương, đêm là Âm, đàn ông là Dương, đàn bà là Âm; nóng là Dương, lạnh là Âm, hưng phấn là Dương, ức chế là Âm, trên thuộc Dương, dưới thuộc Âm… Khái niệm Âm Dương này được dùng rất nhiều trong Kinh Dịch bằng vận dụng Bát Quái và 64 quẻ. Sau đó nó được dùng một cách tập trung đậm đặc trong các bộ môn Huyền học, trong đó có bộ môn Tứ trụ Tử Bình sau này, với mục đích suy đoán sự phát triển của sự việc trong tương lai cũng như cát hung họa phúc mà nó sẽ đem lại.

Mãi sau này tới giữa Thế kỉ XIX, trong vật lí, hóa học, mới có những phát minh, khám phá về cực Âm, cực Dương. Nhìn lại mới thấy hai khái niệm đối lập này không nằm ngoài khái niệm Âm Dương nguyên thủy từ nhiều ngàn năm trước.

Triết học cổ đại Á Đông cho rằng Âm Dương sinh ra Ngũ hành Kim Thủy Mộc Hỏa Thổ. Ngũ hành chính là khí của Âm Dương. Âm biến Dương hợp mà thành Ngũ hành.

Luận giải Tứ trụ phải biết nắm bắt thật chắc các mối quan hệ Âm Dương Ngũ hành. Thái Cực sinh Âm Dương, Âm Dương biến hợp thành Ngũ hành. Từ Ngũ hành Âm Dương lại được gán cho Thập Thần. Kim Dương và Kim Âm, Thủy Dương và Thủy Âm, Mộc Dương và Mộc Âm, Hỏa Dương và Hỏa Âm, Thổ Dương và Thổ Âm, tất cả là Thập Thần trong Tứ trụ. Thập Thần lại được gán cho các mối quan hệ, sự việc, lục thân để từ đó luận giải cát hung Vận Mệnh của mỗi con người.

Vị trí ưa thích của Thái Cực trong Tứ trụ của người có số làm thầy

Thái Cực là yếu tố cần có trong Tứ trụ của người có số làm thầy như thầy Tứ trụ, thầy Tử vi, hoặc thầy Phong Thủy, thầy xem tướng, thầy xem quẻ, nhà ngoại cảm, người nhìn thấu cõi Âm Dương… nhìn chung là những người liên quan tới lĩnh vực Huyền học.

Vị trí ưa thích nhất của Thái Cực của người có số làm thầy chính là trụ Ngày, bởi Can Ngày được gọi là Nhật chủ, Nhật chủ đại diện cho chính Mệnh chủ, là người sở hữu lá số. Can Ngày (Mệnh chủ) tọa Thái Cực chính là vị trí lí tưởng nhất. Ngoài ra, cấp độ sẽ cao hơn nữa nếu Thái Cực kiện toàn, tức Thái Cực mạnh và không bị hình xung phá hại.

Bạn sẽ có cơ hội quan sát các Tứ trụ có Thái Cực Quý nhân ở trụ ngày trong các ví dụ ở phần dưới đây.

Chú ý là người có Thái Cực Quý nhân không nhất thiết sẽ là người thầy luận mệnh, nhưng người thầy nhất thiết cần có Thái Cực Quý nhân.

Cách tìm Thái Cực Quý nhân trong Tứ trụ

Sách “Tam mệnh thông hội”, – một trong những sách kinh điển về Tứ trụ, – có viết: Thái Cực, Thái là ban đầu, là bắt đầu, vật hình thành ở giai đoạn đầu là thái cực, là nhất định thành, nhất định có kết quả. Vật có chỗ quy tụ về được gọi là Cực, tức tạo hóa duy trì cho sự thủy chung, nên gọi Thái Cực là Quý nhân là vậy.

Trong Tứ trụ, người bình thường không có số làm thầy luận mệnh hoặc nghiên cứu Huyền học, nếu có Thái Cực Quý nhân cũng rất quý. Phẩm chất của người có Thái Cực Quý nhân không bị xung hình hại phá thường rất bao dung, rất dễ hiểu và thông cảm cho người khác, đặc biệt rất ưa giúp người khác thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, ưa giúp họ giữ được cân bằng trong cuộc sống, thường là người rất đáng trọng.

Cách tra

Để biết Tứ trụ của mình có Thái Cực Quý nhân hay không, ta tìm như sau:

Nếu Can Năm và Can Ngày là Giáp, Ất, trong Tứ trụ có Tí hoặc Ngọ thì gặp Thái Cực Quý nhân ở đó.

Nếu Can Năm và Can Ngày là Bính, Đinh, trong Tứ trụ có Dậu hoặc Mão thì gặp Thái Cực Quý nhân ở đó.

Nếu Can Năm và Can Ngày là Mậu, Kỉ, trong Tứ trụ có Thìn, hoặc Tuất hoặc Sửu, hoặc Mùi thì gặp Thái Cực Quý nhân ở đó.

Nếu Can Năm và Can Ngày là Canh, Tân, trong Tứ trụ có Dần hoặc Hợi thì gặp Thái Cực Quý nhân ở đó.

Nếu Can Năm và Can Ngày là Nhâm, Quý, trong Tứ trụ có Tị hoặc Thân thì gặp Thái Cực Quý nhân ở đó.

Các ví dụ có Thái Cực Quý nhân

Ví dụ 1 có Thái cực Quý nhân tại Tháng

Tứ trụ có Thái cực Quý nhân tại tháng
Tứ trụ có Thái cực Quý nhân tại tháng

Ví dụ 1, Can Ngày là Đinh, trong Tứ trụ có Dậu, vì vậy người này có Thái Cực Quý nhân tại Dậu trụ tháng.

Can Năm là Nhâm, nhưng Tứ trụ không có Tị hoặc Thân.

Như vậy tổng kết Tứ trụ chỉ có Thái Cực Quý nhân tại tháng.

Ví dụ 2 có Thái Cực Quý nhân tại Năm, Tháng và Giờ

Tứ trụ có 3 Thái cực Quý nhân tại Năm, Tháng và Giờ
Tứ trụ có 3 Thái cực Quý nhân tại Năm, Tháng và Giờ

Ví dụ 2, Can Ngày là Kỉ, trong Tứ trụ có Sửu, Mùi, vì vậy người này có Thái Cực Quý nhân tại trụ tháng và trụ giờ.

Can Năm là Giáp, trong Tứ trụ có Tí, vì vậy người ngày còn có Thái Cực Quý nhân ở trụ năm.

Như vậy tổng kết Tứ trụ có Thái Cực Quý nhân cả 3 trụ Năm, Tháng và Giờ.

Ví dụ 3 có Thái Cực Quý nhân tại Ngày, Tứ trụ của người có mắt Âm Dương

Tứ trụ có Thái cực Quý nhân tại ngày, Tứ trụ của người có mắt Âm Dương
Tứ trụ có Thái cực Quý nhân tại ngày, Tứ trụ của người có mắt Âm Dương

Ví dụ 3, Can Ngày là Kỉ, trong Tứ trụ có Sửu, vì vậy người này có Thái Cực Quý nhân tại trụ ngày.

Can Năm là Canh, trong Tứ trụ không có Dần hoặc Hợi.

Như vậy tổng kết Tứ trụ chỉ có Thái Cực Quý nhân ở trụ ngày.

Đây là Tứ trụ của người có mắt Âm Dương, có thể nhìn, nghe thấy người Âm và thường được “sang tai”. Chính bản thân Kim An đã được nghe và kiểm chứng.

Ví dụ 4 có Thái Cực Quý nhân tại Ngày và Giờ, Tứ trụ của nhà ngoại cảm

Tứ trụ có Thái cực Quý nhân tại ngày và giờ, Tứ trụ của nhà ngoại cảm
Tứ trụ có Thái cực Quý nhân tại ngày và giờ, Tứ trụ của nhà ngoại cảm

Ví dụ 4, Can Ngày là Mậu, trong Tứ trụ có Tuất, vì vậy người này có Thái Cực Quý nhân tại trụ ngày và trụ giờ.

Can Năm là Bính, trong Tứ trụ không có Dậu hoặc Mão.

Như vậy tổng kết Tứ trụ có Thái Cực Quý nhân ở trụ ngày và trụ giờ.

Đây là Tứ trụ của một nhà ngoại cảm, có thể nhìn, nghe thấy người Âm, thường được “sang tai” và từng nhiều lần thành công trong việc giúp tìm mộ liệt sĩ.

Ví dụ 5 có Thái Cực Quý nhân tại Ngày và Tháng, Tứ trụ của người hay bị người Âm nhập và không biết khống chế

Tứ trụ có Thái cực Quý nhân tại ngày và tháng và bị xung khắc, Tứ trụ của người hay bị vong nhập
Tứ trụ có Thái cực Quý nhân tại ngày và tháng và bị xung khắc, Tứ trụ của người hay bị vong nhập

Ví dụ 5, Can Ngày là Quý, trong Tứ trụ có Tị, vì vậy người này có Thái Cực Quý nhân tại trụ ngày.

Can Năm là Tân, trong Tứ trụ có Hợi, vì vậy có Thái Cực Quý nhân tại trụ tháng.

Như vậy tổng kết Tứ trụ có Thái Cực Quý nhân ở trụ ngày và trụ tháng. Điều đáng nói là Thái Cực Quý nhân tài Ngày Tị và Tháng Hợi xung khắc nhau.

Đây là Tứ trụ của một người luôn có cảm giác bị ma ám hoặc nói cách khác là “vong theo” như trong dân gian thường gọi. Người này cứ đi dự đám tang, hoặc trong họ có người mất là bị lạnh chân, lạnh người và có cảm giác nói chuyện với người đã mất. Thậm chí có lần bị người trong họ đã mất nhập vào tới hơn một tuần.

Nhận xét Thái Cực Quý nhân ở các ví dụ

Trong năm ví dụ ở trên, hai ví dụ đầu (1, 2) không có Thái Cực Quý nhân tại Ngày, không làm thầy, cũng không làm nhà ngoại cảm, không liên quan tới Huyền học cũng như nhìn nghe cõi Âm, chỉ đơn giản là ưa thích những điều huyền bí.

Hai ví dụ sau (3, 4) đều có Thái Cực Quý nhân tại Ngày, không bị hình xung hại phá, đều là những người nằm sâu trong thế giới tâm linh Huyền học, biết làm chủ khả năng nhìn thấy cõi Âm của mình (cả hai đều tu tập, tu luyện).

Ví dụ cuối cùng có Thái Cực Quý nhân ở Ngày và Tháng là Tị Hợi xung khắc nhau. Có Thái Cực Quý nhân ở Ngày là có liên quan tới Huyền học, giới tâm linh, nhưng bị xung khắc thì chính vì điều này mà phải chịu khổ sở.

Các khái niệm khác liên quan tới Thái Cực

Thái Cực đồ và Thái Cực đồ thuyết

Thái Cực đồ không gì khác chính là biểu tượng Âm Dương, hay còn được gọi là Yin Yang. Thái cực Âm Dương là một học thuyết kinh điển của triết học Trung Hoa, trong đó tác phẩm “Thái cực đồ thuyết” bàn về Thái Cực Âm Dương của Chu Đôn Di của thời Tống Minh Trung Quốc là một trong những tác phẩm có sức ảnh hưởng sâu sắc nhất, giải thích Thái Cực đồ rất chi tiết. Trong tác phẩm này, ông làm rõ gốc gác của thiên lí và tìm cách nghiên cứu đầu mối của vạn vật.

Biểu tượng Âm Dương - Yin Yang
Thái Cực đồ

Thái Cực quyền

Hẳn bạn đã từng nghe nhắc đến tên Thái Cực quyền.  Ngày xưa, Thái Cực quyền được xem như là một môn võ thuật với những động tác trường quyền uyển chuyển, chậm rãi kết hợp với điều hòa hơi thở. Nhưng sau này, cùng với sự phát triển không ngừng của môn phái và theo thời gian, nó đã trở thành một môn thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe phổ biến trong cộng đồng, đặc biệt được yêu thích bởi nhóm người cao tuổi trên khắp thế giới.

Các chuỗi bài tập của Thái Cực quyền vừa mang tính truyền thống, lại vừa hiện đại, tập trung vào sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 mục tiêu là luyện thân, luyện khí và luyện ý.

 “Thái cực quyền luận” của bộ môn Thái Cực quyền có thể được xem là sự phát triển và ứng dụng “Thái cực đồ thuyết” vào võ thuật, vun đắp và bồi dưỡng thể chất con người.

Khi quan sát các bài tập của Thái Cực quyền, bạn có thể nhận thấy tính nhu động, – nhu Âm động Dương, – ở trong từng động tác của người tập, vừa uyển chuyển mềm mại (Âm), lại vừa linh hoạt mạnh mẽ (Dương), mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Thái Cực quyền
Thái Cực quyền

Kết luận

Hi vọng với bài viết về Thái Cực, Kim An có thể giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về Thái Cực Quý nhân trong Tứ trụ, đồng thời hiểu rõ về cội nguồn của Thái Cực, cũng như những khái niệm mà có thể bạn thường nghe nhắc đến như Thái Cực sinh lưỡng nghi, Thái Cực đồ, Thái cực quyền.

Bạn cũng có thể tự tra xem Tứ trụ của mình hoặc Tứ trụ của người thân có Thái Cực Quý nhân hay không và tự biết Thái Cực Quý nhân có ảnh hưởng tốt xấu tới bản thân hoặc người thân như thế nào.

Nếu bạn không biết lập Tứ trụ của bản thân hoặc người thân, bạn có thể vào dùng lập trình của bazi-calculator.com để lập Tứ trụ bằng Năm Tháng Ngày Giờ sinh và từ đó tìm xem có Thái Cực Quý nhân bằng hướng dẫn cách tra ở trên./.