Âm Dương trong Tứ trụ

Ứng dụng Âm Dương được dùng nhiều trong các lĩnh vực của cuộc sống, phổ biến nhất là trong Y học và Huyền học. Trong Huyền học, các bộ môn hay sử dụng Âm Dương có Tứ trụ, Phong Thủy, Dịch học, Nhân tướng học…

Âm Dương bắt nguồn từ đâu và khi nào?

Khái niệm Âm Dương có nguồn gốc từ phương Nam, phương Nam tức Nam Trung Hoa, từ sông Dương Tử và vùng Việt Nam (theo wikipedia).

Thời gian xuất hiện khái niệm Âm Dương cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng có khả năng vào đời nhà Hạ, khoảng từ thế kỉ XXI trước Công nguyên (theo sách Dự đoán theo Tứ trụ của Thiệu Vỹ Hoa).

Âm Dương trong tiếng Hán được gọi là Yin Yang, đây chính là hai chữ được nhắc đến trong tiếng nước ngoài để chỉ Âm Dương.

Biểu tượng Âm Dương đối lập

Trong mọi vật, sự việc đều tồn tại Âm Dương đối lập, là hai thuộc tính trái ngược nhau đồng thời tồn tại. Hình biểu tượng của Âm Dương nói lên điều này: Trong Âm có Dương và trong Dương có Âm. Âm Dương luôn vận động và chuyển hóa cho nhau. Dương phát triển đến cùng cực thì chuyển thành Âm, Âm phát triển tới cùng cực thì chuyển thành Dương.

Biểu tượng Âm Dương - Yin Yang
Biểu tượng của Âm Dương – Yin Yang

Trong cuộc sống thường ngày, Dương được gắn cho Trời, cho cha, cho người nam…; Âm được gắn cho đất, cho mẹ, cho người nữ…

Âm Dương trong Tứ trụ

Trong các luận giải Tứ trụ cho khách hàng của Kim An rất ít nói đến hai từ “Âm Dương”, nhưng trên thực tế Âm Dương được thể hiện bởi các Can Âm, Can Dương, Chi Âm, Chi Dương và mọi lí luận đều xoáy quanh các Can Chi này.

Nhật chủ Âm Dương

Nhật chủ tượng trưng cho Mệnh chủ, là Can Ngày, có thể là Can Dương (bao gồm 5 Can: Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm) hoặc Can Âm (bao gồm 5 Can: Ất, Đinh, Kỉ, Tân, Quý).

Nhật chủ Nhâm Can Dương trong Tứ trụ
Nhật chủ Nhâm là Can Dương trong Tứ trụ

Ví dụ trong Tứ trụ ở trên, Mệnh chủ sinh ngày 23-6-2021 lúc 12h31 Dương lịch có Can Ngày là Nhâm, là Can Dương.

Các Can Chi Âm Dương khác trong Tứ trụ có quan hệ mật thiết với Nhật chủ, tượng trưng cho các mối quan hệ lục thân: ông bà, bố mẹ, anh chị em, vợ/chồng, con cái, tượng trưng cho sức khỏe, sự nghiệp, tiền tài…

Nhờ sự xác định Âm Dương và mối quan hệ, tác động như sinh khắc, xung hình hại phá hợp… của các Can Chi Âm Dương này tới Can Ngày mà có thể luận giải cát hung Vận Mệnh đời người, vô vàn chi tiết liên quan tới các mặt của một người, liên quan tới vận hạn cuộc đời mà người đó đã, đang và sẽ trải qua.

Tứ trụ còn gọi là Bát tự, tức tám chữ, của Năm Tháng Ngày Giờ sinh, trong luận giải lá số Tứ trụ chi tiết trọn đời biến thành vạn chữ, chính là nhờ sự luận giải dựa trên Âm Dương Ngũ hành thiên biến vạn hóa mà dự đoán được quá khứ, hiện tại và tương lai.

Ví dụ minh họa Luận giải lá số Tứ trụ trọn đời chi tiết
Luận giải lá số Tứ trụ trọn đời chi tiết, Tám chữ biến thành vạn chữ

Tứ trụ Âm Dương

Trong luận giải Tứ trụ, mọi thứ đều ưa cân bằng, Ngũ hành cân bằng, Âm Dương cân bằng. Người có Tứ trụ có Âm Dương và Ngũ hành cân bằng thì chắc chắn đó là người có tính cách ôn hòa, điềm tĩnh, không nóng lạnh thái quá, luôn ung dung tự tại trong mọi hoàn cảnh, gặp bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào hoặc chướng ngại vật nào cũng tìm ra cách vượt qua và vượt qua một cách dễ dàng. Người có Âm Dương Ngũ hành cân bằng thì dường như được bảo bọc một màng bảo vệ vô hình, mọi thị phi đều tránh xa, người xấu muốn làm hại cũng khó lòng làm được. Ngũ hành, Âm Dương, đó chính là những yếu tố đầu tiên Kim An đưa mắt quan sát Tứ trụ của một người.

Thông thường, trong đại đa số các lá số Tứ trụ đều có đủ Âm Dương, dù có thiên lệch. Tứ trụ có đủ khí Âm Dương cân bằng thì con người hài hòa. Rất ít khi gặp Tứ trụ thuần Dương, tức chỉ có Dương, hoặc thuần Âm, tức chỉ có Âm. Nhưng lại có khá nhiều trường hợp Tứ trụ giả thuần Dương, tức bề ngoài toàn Dương trong có ẩn náu Âm, hoặc Tứ trụ giả thuần Âm, tức bề ngoài toàn Âm trong có ẩn náu Dương.

Ví dụ Tứ trụ giả thuần Âm
Ví dụ Tứ trụ giả thuần Âm
Ví dụ Tứ trụ giả thuần Dương
Ví dụ Tứ trụ giả thuần Dương

Tứ trụ Âm, Tứ trụ Dương đều nói lên tính cách nổi bật của người đó.

Người có Tứ trụ có Dương mạnh thì tính cách đàng hoàng như ban ngày, thích mọi thứ rõ ràng, sáng tỏ, thể hiện trong lời nói tiếng vang, dứt khoát, cách cư xử thẳng thắn, minh bạch.

Người có Tứ trụ Âm mạnh thì tính cách khá ngấm ngầm, không dễ nói ra những điều mình nghĩ, thường chọn cách cư xử “đường ngang ngõ tắt” chứ không hay chọn đi đường quang, thể hiện trong tiếng nói khá nhẹ, không vang sảng như người có Tứ trụ Dương mạnh.

Người có Tứ trụ thuần Dương hoặc thuần Âm thì thế nào?

Người có Tứ trụ thuần Dương thật hoặc thuần Âm thật lại không phải là điều hay. Thuần Dương là cực điểm của Dương. Thuần Âm là cực điểm của Âm. “Cái gì quá cũng không tốt!” như câu ngạn ngữ của Pháp “Tout eccès est mauvais!”. “Cô Âm không sinh, độc Dương không trưởng”. Người có Tứ trụ như vậy thì tính cách thường cô độc, thường phát triển giác quan thứ 6 rất mạnh, có thiên hướng về tôn giáo, Huyền học, thích những chuyện về tâm linh. Về mặt hình thức thì họ thường rất đẹp.

Nữ có Tứ trụ thuần Âm thì tính cách đa sầu đa cảm, hay sợ sệt. Nam có Tứ trụ thuần Âm thì tính cách nhu nhược, nhát gan, nhiều lúc đàn bà hơn cả đàn bà.

Nữ có Tứ trụ thuần Dương thì tính cách khá kiên quyết, cứng rắn, trong nhiều trường hợp đàn ông hơn cả đàn ông. Nam có Tứ trụ thuần Dương thì tính cách mãnh liệt, anh hùng hảo hán, tùy vào tháng sinh và Tứ trụ có thể rất nóng tính.

Người Tứ trụ có Âm Dương đầy đủ và cân bằng hoặc Tứ trụ thuần Âm, Dương nhưng biết cách bổ sung cải thiện, cùng với Ngũ hành cân bằng, thì thường có cuộc sống an bình, suôn sẻ hơn.

Những người có Tứ trụ thuần Âm cần có biện pháp bổ sung Dương. Những người có Tứ trụ thuần Dương cần có biện pháp bổ sung Âm. Tùy vào từng trường hợp Tứ trụ cụ thể, Chuyên gia Mệnh lí có thể đưa ra những lời khuyên, giải pháp tốt nhất cho họ./.